Chân dung tiến sĩ Rupert Neudeck trong lễ tưởng niệm 14/6/2016. Hình do ông Nguyễn Hữu Huấn gửi RFA
|
Thanh Trúc - RFA - "Bên Công Giáo nhiều người gọi ông là Thiên Thần của Chúa gởi đến cho nhân loại, người bên Phật Giáo thì gọi ông là một vị Bồ Tát đã xả thân cứu người không phân biệt chủng tộc, màu da, xu hướng chính trị." - Ông Nguyễn Hữu Huấn
Trên trang sử tị nạn cũng như trong lòng bao thuyền nhân Việt đi tìm tự do sau 30 tháng Tư 1975, hình ảnh tiến sĩ Rupert Neudeck và hình ảnh những chiếc tàu cứu mạng Cap Anamur không bao giờ có thể phai mờ trong ký ức.
Ngày 31 tháng Năm vừa qua, tiến sĩ Rupert Neudeck, người đã vận động với chính phủ Đức để có được 4 chiếc tàu mang tên Cap Anamur lướt sóng ra khơi cứu người vượt biển Việt Nam trong thập niên 75 cho đến 85, đã qua đời tại thành phố quê nhà của ông ở Troisdorf nước Đức, hưởng thọ 77 tuổi.
Trái tim nhân ái
Có thể xuôi tay nhắm mắt ở tuổi 77 là hãy còn quá sớm, thế nhưng với rất nhiều người Việt thì con người phi thường ấy, tiến sĩ Rupert Neudeck, dù đã lìa đời nhưng khoảng trống để lại thì quá đầy, bởi nhờ ông mà từ 1979 đến 1986 đã có 11.300 người già trẻ lớn bé được những chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur vớt từ biển cả mênh mông đưa về bến bờ an toàn hạnh phúc.
Tôi rất cảm phục ông Neudeck, một người sống rất giản dị và sống rất bình thường. Từ hồi còn trẻ, ông bị ám ảnh nhất là trong thời gian ông mới năm hay sáu tuổi thì đã phải đi lánh nạn cộng sản Nga. Thông cảm được nỗi đau khổ của người tị nạn, những nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói hay chủng tộc mà ông xả thân ra làm. Khó có thể tưởng tượng được một con người đã hy sinh toàn bộ cuộc sống của mình cho tha nhân.
Là người Công Giáo thuần thành, ông lấy tấm gương một người Samaritain nhân hậu trong Thánh kinh là xả thân cứu người. Khi cứu người thoạt đầu ông bị biết bao nhiêu chống đối, thậm chí có những người quá khích đã ném phân vào nhà ông, nhưng ông vẫn chịu đựng và làm đủ mọi cách. Đầu tiên ông thành lập ủy ban có tên là Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam, chỉ để chuyên cứu với những thuyền nhân Việt Nam đang thập tử nhất sinh trên biển cả. Cuối cùng ông đã cứu được 11.300 sinh mạng thuyền nhân Việt Nam. Từ đó ông tiếp tục cho đến ngày ông mất.
Những người mời ông đi thuyết trình hay đi nói chuyện đều đề nghị trả tiền vé máy bay hay tiền khách sạn thì ông đều từ chối hết, ông yêu cầu lấy tiền đó để vào quĩ cứu giúp người nghèo. Tôi tin chắc rằng đại đa số người tị nạn, không được tàu Cap Anamur vớt hay được tàu Cap Anamur vớt, khi biết về ông đều tỏ ra kính phục.
Bên Công Giáo nhiều người gọi ông là Thiên Thần của Chúa gởi đến cho nhân loại, người bên Phật Giáo thì gọi ông là một vị Bồ Tát đã xả thân cứu người không phân biệt chủng tộc, màu da, xu hướng chính trị.
Những nơi nguy hiểm nhất mà không người nào thèm đến để cứu giúp thì ông đến một mình. Thí dụ cuộc kháng chiến của Afghanistan chống lại sự xâm lăng của Liên Xô trong thập niên 80 thì ông tự một thân một mình ra đi, hòa nhập vào đoàn người tị nạn ở Afghanistan để cứu những người Afghanistan đó. Ông đã một lần bị máy bay trực thăng của Nga bắn nhưng rất may ông thoát chết.
Đó là lời ông Nguyễn Hữu Huấn, thành viên trong Ủy Ban Cap Anamur ở Hamburg, từng được tàu Cap Anamur vớt, sau trở lại làm việc trên những chuyến tàu ra khơi cứu người mà tiến sĩ Rupert Nudeck vận động thành lập:
Đầu năm 1980 tôi đi vượt biển lần thứ ba, ghe của tôi bị hải tặc cướp 2 lần. Khi ghe lênh đênh ngoài biển và không còn dầu nhớt nữa, máy đã bị hư thì chúng tôi được tàu Cap Anamur cứu. Lúc đó cảm giác như là được sống lại. Nhìn thấy con tàu đồ sộ còn cái ghe của mình quá nhỏ thì chúng tôi rất bàng hoàng, có thể nói là được một lần nữa tái sinh. Tôi được chính phủ của tiểu bang Hamburg cho đi học tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Cuối năm 81 tôi bắt đầu trở thành thành viên của Ủy Ban Cap Anamur, tôi đi liên tục trong 5 năm rưỡi.
Ông Nguyễn Đình Phúc, có người anh cả được tàu Cap Anamur vớt hồi năm 1980:
Ngày 9 tháng Tám năm 1979, con tàu Cap Anamur bắt đầu khởi hành từ Hamburg. Chuyến cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Hamburg tháng Tám năm 1986. Cộng đồng người Việt tị nạn toàn nước Đức nói chung và tại Hamburg nói riêng chân thành cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức đã mở lòng nhân đạo, cứu vớt và nhận cho thuyền nhân Việt Nam được cư ngụ tại nước Đức.
Theo cựu thuyền nhân Lê Ngọc Tùng, đang sinh sống tại Hamburg, nếu không có tiến sĩ Rupert Neudeck và những chiếc tàu Cap Anamur đi vớt người vượt biển từ 1979 đến 1986 thì:
Thống kê cho biết khoảng 200.000 người Việt Nam đã đi tìm tự do đã chết giữa biển. Nếu không có con tàu Cap Anamur thì chắc chắn số người chết giữa biển vì hải tặc, bị sóng cuốn, bị thiếu lương thực ... sẽ là rất nhiều. Cap Amamur là con tàu tình thương đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và 11.300 người người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang nữa để có cuộc sống tự do.
Vì được tài trợ bởi chính phủ và người dân Tây Đức lúc bấy giờ, 4 chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur được trang bị như một bệnh xá di động, hoàn tất ngoạn mục sứ mạng vớt người trên biển cho đến khi chấm dứt năm 1987:
Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần 4 chiếc. Tôi được chuyến Cap Anamur số 1 vớt. Tàu Cap Anamur số 1 từ 1979 đến 1982 chia thành 29 chuyến thì đã vớt được 199 chiếc ghe. Cho đến khi chấm dứt vào năm 1987 là tàu Cap Anamur số 4.
Sau khi các trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á loan báo đóng cửa và không nhận thuyền nhân vào nữa, những con tàu Cap Anamur 5 và Cap Anamur 6 đã không vớt người mà chỉ dẫn dắt và cứu hộ những chiếc ghe vượt biển, tìm cách đưa họ an toàn vào trại tị nạn mà thôi.
Tang lễ đơn giản
Ngày 8 tháng Sáu 2016 vừa qua, tang lễ chỉ được cử hành đơn giản trong vòng gia tộc thể theo ý nguyện của người quá cố. Là người thân thiết với gia đình qua nhiều năm làm việc cùng tiến sĩ Rupert Neudeck và Ủy Ban Cap Anamur, cũng là người Việt duy nhất có mặt tại ngày vĩnh biệt, ông Nguyễn Hữu Huấn chia sẻ:
Gia đình từ vợ đến con cháu chỉ muốn mai táng ông một cách âm thầm thì vợ chồng tôi may mắn được tham dự. Tôi chưa thấy tang lễ nào đơn sơ như vậy bởi vì bà làm theo ý nguyện của ông là không hoa, không nến, không kèn không trống và chính những người con người thân khiêng quan tài của ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Hiện tại ngày hôm nay trước mộ của ông chỉ vỏn vẹn có cây Thánh giá và vái ba cây cỏ dại và chính ông bà muốn như vậy.
Trái với vẻ bình lặng đơn sơ của tang lễ ở Troisdorf, lễ tưởng niệm tiến sĩ Rupert Neudeck, cha đẻ những con tàu tình thương Cap Anamur, hàng ngàn người Việt đã đổ về thành phố Koln để chào kính vị ân nhân, vị anh hùng không cùng máu mủ ruột thịt với mình:
Buổi tưởng niệm ngày 14 tháng Sáu vừa qua là Tòa Tổng Giám Mục ở Giáo phận Koln( Cologne) tổ chức và Đức Hồng Y đúng chủ lễ. Trong ngày đó chỉ có một bức hình thật lớn để trên Cung Thánh và một bó hoa của nhà thờ.
Bà Neudeck nói bà không mời bất cứ một chính trị gia hay là những người nổi tiếng trên nước Đức mà riêng người Việt Nam thì bà mời đến. Đó là ý nguyện của bà và gia đình.
Đó là một buổi lễ tưởng niệm long trọng, cảm động, ngập tràn nước mắt của thuyền nhân. Chủ lễ buổi tưởng niệm là Đức Hồng Y Giáo Phân Koln cùng 12 linh mục người Đức gốc Việt:
Mười hai linh mục Việt Nam là những người được tàu Cao Anamur cứu vớt hồi trước, được phép làm lễ đồng tế chung với Đức Hồng Y trên bàn thờ.
Trong khi đó thì người Việt Nam kéo đến, theo báo chí là đến khoảng hơn một ngàn rưỡi người đến nỗi không còn chỗ ngồi. Thật tình ngày đó tôi thấy người Việt Nam người ta sụt sùi người ta khóc. Thậm chí trong khi làm lễ và sau khi làm lễ người Việt Nam mình kéo nhau đến tạ ơn ông Neudeck, cứ xếp hàng mà quì lạy trước chân dung ông Neudeck. Người ta cứ hỏi là muốn viếng mộ ông rồi muốn thắp nhang ở đó. Nhiều người theo kiểu Việt Nam mình là muốn đưa phong bì cho tang gia nhưng bà Neudeck không nhận, nói là xin chuyển vô hai hội thiện nguyện đi giúp người của ông Neudeck.
Điều bất ngờ là không chỉ người Việt mà người bản xứ cũng đến quá đông, ông Nguyễn Hữu Huấn nói:
Không ngờ người Đức đến quá đông, kể cả những người nổi tiếng, mặc dù bà Neudeck không chính thức mời. Thí dụ cựu thống đốc tiểu bang rồi cựu phó thủ tướng, cựu chủ tịch quốc hội rồi một số chủ tịch những đảng chính trị cũng đến nữa. Chúng tôi là người tổ chức chung với gia đình cho nên cái khó khăn là không biết làm sao mà sắp xếp chỗ ngồi cho họ cho đàng hoàng thì cũng chỉ biết cách xin những người Việt Nam nhường chỗ cho họ mà thôi.
Rồi lại còn thêm hầu hết những người đã từng ở trên tàu để đi vớt người thời thập niên 80, những người thiện nguyện của Ủy Ban Cap Anamur hồi trước là bác sĩ, là y tá đều đến hết.
Cũng nên nhắc lại hồi tháng Tám 2014, đại hội 35 năm tàu Cap Anamur, thay vì vẫn diễn ra tại quê nhà Troisdorf của tiến sĩ Rupert Neudeck, nơi một chiếc ghe của người vượt biển được kéo về trưng bày tại đó, thì lần tổ chức 35 năm Cap Anamur này được dời qua cảng Hamburg với cả ngàn người Việt khắp nơi trên nước Đức về tham dự:
Có hai lý do giải thích sự thay đổi này, thứ nhất là tại cảng Hamburg cách đây 5 năm một tấm bia biểu tượng người tị nạn đã được dựng lên nhằm đánh dấu nơi xuất phát mà cũng là nơi trở về của các con tàu định mệnh Cap Anamur.
Thứ hai chính là yêu cầu của tiến sĩ Rupert Neudeck, người sang lập Ủy Ban Cap Anamur, nói rằng sức khỏe của ông ngày một kém vì thế đây có thể là lần cuối cùng và ông mong muốn tổ chức ngày kỷ niệm 35 Cap Anamur tại Hamburg.
Không ai ngờ đến lần kỷ niệm 37 năm Cap Anamur thì tiến sĩ Rupert Neudeck đã lặng lẽ và thanh thản bay vào đại dương mênh mông trong sự nuối tiếc nghẹn ngào của những thuyền nhân vì ông mà được sống.
Một nén hương lòng thắp muộn cho vị đại ân nhân của người vượt biển Việt Nam.